Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

BÁO ĐỘNG ĐỎ VIỆC “LẠM DỤNG KHÁNG SINH TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN”

Vấn đề lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Nhiều người nuôi dùng các kháng sinh không nắm rõ nguồn gốc, thành phần, tác dụng của thuốc, việc lựa chọn kháng sinh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, hay sự tư vấn của bạn bè hoặc người bán thuốc thú y thủy sản… Mặt khác, trước tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng ngày càng khó khăn, tôm hay bị dịch bệnh, người nuôi đã lạm dụng kháng sinh để phòng và trị bệnh cho tôm, nhiều hộ nuôi có khuynh hướng tăng liều sử dụng cao hơn so với khuyến cáo, ít chú ý đến liệu trình điều trị.

Sự tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng và bị tích lũy nhiều trong cơ thể trong thời gian dài. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn kháng kháng sinh, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim… và nặng hơn là có thể dẫn đến tử vong khi trong cơ thể có lượng tích lũy cao.

Ngoài ra, hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đến xuất khẩu thủy sản là rất lớn: theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng lô hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm bị trả về tăng đột biến, lên tới 40 lô hàng (trong khi năm 2020 chỉ có 14 lô bị trả về). Ở 5 thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc thì Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành thủy sản và gây ra thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tình trạng sử dụng kháng sinh ngày càng tràn lan là do dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều bệnh với các loài vi khuẩn virus gây bệnh đa dạng và biến chủng hơn. Thống kê cho thấy, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30 – 35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Một số nhà khoa học thừa nhận dịch bệnh trên tôm khá phổ biến, vì tôm là loài khó nuôi, dễ bị bệnh.

Khi hình thức nuôi tôm thẻ công nghiệp xuất hiện, tình hình sử dụng thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản có chuyển biến phức tạp hơn; các loại thuốc, hóa chất được sử dụng cũng nhiều hơn cả về số lượng và chủng loại. Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng chất cấm, đặc biệt là kháng sinh cấm vẫn gặp nhiều khó khăn do thị trường còn nhỏ lẻ, vùng nuôi phân tán.

Để đẩy lùi nạn lạm dụng kháng sinh, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có chế tài mạnh hơn để xử lý những cơ sở kinh doanh thuốc kháng sinh ngoài danh mục cho phép thì việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi an toàn là rất quan trọng. Áp dụng công nghệ sinh học trong mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, tránh sử dụng chất cấm hay kháng sinh trong quá trình nuôi. Đây được xem là giải pháp hỗ trợ mang tính tất yếu để ngành nuôi tôm công nghiệp phát triển bền vững.

Trên thực tế, có một số cây thảo dược có thể sử dụng để thay thế kháng sinh. Ví dụ, các thảo dược có kháng sinh tự nhiên như: tỏi, sài đất, nhọ nồi… dùng để ức chế và tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh. Các thảo dược có chất hoạt tính gây chết cá: cây thuốc cá, hạt thàn mát, hạt chè dại, khô dầu sở… để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm.

Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản bằng cách nhân rộng mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo hướng an toàn sinh học hoặc VietGAP góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Leave a comment