コンテンツにスキップ キサイドバー 生物多様性保全への取り組

XUẤT KHẨU THỦY SẢN QUÝ 4 DỰ BÁO KHỞI SẮC

Ngành thủy sản có cơ hội hoàn thành mục tiêu kim ngạch 8,8 tỷ USD trong năm nay vẫn còn hy vọng. Khi mà nhiều doanh nghiệp dự báo khởi sắc trong quý 4/2021, dù xuất khẩu trong tháng 8 giảm mạnh. Dựa vào cơ sở nào để đưa ra dự báo như vậy. Hãy cùng Tan Huu Qui tìm hiểu nhé!

Cơ hội tăng trưởng

Cùng với nhiều ngành nghề khác, thủy sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo Tổng cục Thủy sản, xuất khẩu nhiều loại mặt hàng đồng loạt giảm mạnh trong tháng 8/2021. Tổng sản lượng tháng 8 ước khoảng 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ, là tháng giảm đầu tiên trong năm 2021. Dù vậy, đà tăng trưởng của 7 tháng đầu năm vẫn giúp lũy kế tổng sản lượng đến hết tháng 8/2021 đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 66,2% kế hoạch năm 2021.

Dù ngành thủy sản còn tồn tại khó khăn, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân bởi các cường quốc xuất khẩu tôm như Ấn Độ, Indonesia bị dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này khiến nguồn cung tôm trên thị trường thế giới sụt giảm, kéo theo việc tôm trở nên dễ tiêu thụ hơn.

“Người nuôi tôm giờ rất năng động. Họ có phản ứng mau lẹ với thị trường. Nếu dịch bệnh được ngăn chặn, tôi tin các doanh nghiệp, hộ sản xuất sẵn sàng nuôi mùa nghịch, chấp nhận và vượt qua rủi ro để chờ tôm lên giá vào những tháng kế tiếp”, ông Lực nhận định.

Bên cạnh mùa nghịch, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta phỏng đoán, rằng một số công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản lớn vẫn có lượng dự trữ tôm bán thành phẩm cho quý 4. Đây là nguồn tích lũy từ những tháng cao điểm (từ tháng 5 đến tháng 7). “Tôi tin các doanh nghiệp lớn giờ đều dự trữ khoảng 1.000 tấn tôm loại này. Họ đã có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để vượt qua khó khăn”, ông Lực nói tiếp.

Một trong những lý do khiến ông Lực tin vào khả năng phục hồi, là nguồn cung thủy sản hiện không đứt hoàn toàn. Chưa kể, tại nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện có một lượng lớn lao động trở về do dịch bệnh. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong khu vực sạch bệnh hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực này, xoay vòng với lượng nhân công đang thực hiện “3 tại chỗ” ở các cơ sở, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất. Chỉ cần một mùa nghịch thắng lợi, ngành thủy sản sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8,8 tỷ USD trong năm 2021.

Chung quan điểm với ông Lực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, Bộ NN-PTNT và Tổng cục đã tích cực thông tin và đả thông tư tưởng cho bà con nông dân, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo cơ chế tháo gỡ, thúc đẩy cho bà con duy trì nuôi trồng, khai thác thủy hải sản.

“Bà con cần được thông tin kịp thời, rằng nhu cầu của thị trường là rất lớn. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn hàng có thể sẽ tới tấp. Chúng ta cần lên kế hoạch để chuẩn bị nuôi thả từ trước vài tháng. Bằng không, ngành thủy sản có thể chịu nguy cơ thiệt hại kép: vừa không thể tranh thủ được các thị trường thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới”, ông Luân chia sẻ.

So với giai đoạn đầu, khi các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, hiện các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại đây đều đã tìm cách thích ứng và nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Trước mắt, ngành tôm được giảm giá điện 10% trong 3 tháng, tính từ tháng 9/2021. Bên cạnh đó, là Nghị quyết 105/NQ-CP vừa ban hành hôm 9/9, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh, và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trợ hoạt động sản xuất.

ĐBSCL cần chuẩn bị kịch bản ngay từ bây giờ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, ngành thủy sản chưa thể phục hồi ngay trong tháng 9/2021. Có 4 lý do dẫn đến nhận định này.

Thứ nhất, giá tôm, cá tra, và nhiều mặt hàng khác vẫn giảm đồng loạt, khiến nông dân hoang mang. Một số hộ dân tại ĐBSCL đã dừng nuôi tôm trong thời gian qua.

Thứ hai, mọi chi phí sản xuất của doanh nghiệp đều tăng lên. Trong thời gian dịch bệnh, ngoài chi phí ăn, ở tại chỗ cho công nhân, các cơ sở chế biến còn phải chịu chi phí chăm lo sức khỏe, chi phí xét nghiệm, kiểm tra y tế định ký. Ngoài ra, chi phí vận chuyển, lưu thông cũng đội giá bởi quy định giãn cách khác nhau ở các địa phương.

Thứ ba, tâm lý người lao động hiện không ổn định. Đa số bị hao tổn sức khỏe vì thời gian “3 tại chỗ” kéo dài hơn 2 tháng, và nhớ gia đình. Hệ quả là nguy cơ xảy ra các lỗi kỹ thuật tăng lên, và tay nghề nhân công trong dây chuyền thiếu đồng đều.

Cuối cùng, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện sản xuất “3 tại chỗ” với quy mô hoạt động thu hẹp, sức chứa lao động chỉ khoảng 30-40%. Nếu muốn quay lại mức 100% hoặc hơn, doanh nghiệp cần thời gian từ nửa tháng cho tới một tháng.

“Chúng ta chưa sợ mất những thị trường xuất khẩu tiềm năng. Bởi các đối thủ cạnh tranh mạnh cũng gặp khó. Vấn đề là phải tận dụng cơ hội này như thế nào”, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, Hồ Quốc Lực nêu vấn đề.

Ngoài việc đảm bảo đủ nguyên liệu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ông Lực khuyến cáo doanh nghiệp cẩn trọng với việc tăng lực lượng lao động trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Trên lý thuyết, sản xuất sẽ phục hồi nhanh khi tăng ca, tăng lao động, nhưng hoàn thành mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, trong đó có kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người lao động, cần có lộ trình tăng theo các mức 30%, 50%, 70%…

Sóc Trăng, nơi CTCP thực phẩm Sao Ta đóng nhà máy, đã thông báo mốc ngày 15/9 – sẽ trở lại tình hình bình thường mới. Ông Lực bày tỏ: “Chúng tôi đang lo đồng bộ từ nguyên liệu, vật tư đầu vào, cho đến cả nghiên cứu thị trường để thích ứng với thói quen mới của người tiêu dùng. Khi nhà hàng, bếp ăn tập thể chưa được mở, tất cả đều phải chi tiết hóa các kế hoạch”.

Mục tiêu trước mắt của ngành thủy sản, là duy trì chuỗi cung ứng, từ nuôi trồng đến chế biến. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nêu 3 hướng giải pháp:

  • Đề nghị các cơ sở giống và thức ăn chăn nuôi giảm giá để kích cầu.
  • Thực hiện các biện pháp kỹ thuật như xuống giống với mật độ thưa. Đưa tôm lên cỡ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục.
  • Chuẩn bị kịch bản cho các tỉnh ĐBSCL sau ngày 15/9.

“Ngành thủy sản gặp khó trong việc đi lại để chỉ đạo sản xuất. Do đó, chúng tôi đã tăng cường làm việc từ xa, qua hình thức họp trực tuyến, và cố gắng sâu, sát đến tận xã, ấp. Mọi hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật, khâu vận chuyển, lưu thông đều được khuyến cáo để giảm thiểu tối đa rủi ro và chi phí phát sinh trong sản xuất. Điều quan trọng nhất, chúng tôi luôn hướng đến, là người nông dân có đảm bảo được thu nhập và chu kỳ sản xuất bền vững hay không”, ông Trần Đình Luân cho biết.

Để làm những việc này, lãnh đạo ngành thủy sản cam kết, sẽ đề xuất các Bộ, ban, ngành, và địa phương. Đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL thống nhất phương án sản xuất. Nhằm đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi bắt đầu một chu kỳ mới.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực mong muốn Chính phủ đẩy mạnh và có cơ chế ưu đãi tiêm vacxin cho những doanh nghiệp thủy sản. “Phải an toàn mới sản xuất được. Vì thế, chỉ cần mỗi người lao động có một mũi tiêm Covid-19, chúng tôi cũng yên tâm hơn”, ông nhấn mạnh.

Theo Bảo Thắng, nongnghiep.vn

Leave a comment