Skip to content Skip to sidebar Skip to footer

ỨNG DỤNG KỸ THUẬT “ĂN LỎNG” TRONG CHĂN NUÔI HEO

Heo ăn thức ăn dạng lỏng thay vì ăn dạng viên.

Heo được chăn nuôi theo kỹ thuật “ăn lỏng”

Chăn nuôi heo bằng thức ăn dạng lỏng (liquid feeding) là công nghệ chăn nuôi đang được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu, nhất là sau khi EU ban bố lệnh cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi vào năm 2006.

Hiện nay có nhiều trại lớn ở Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Đức… đang áp dụng công nghệ “liquid feeding” nhằm tận dụng những phụ phẩm ướt. Ở Bắc Mỹ công nghệ này chỉ phát triển mạnh sau khi giá nguyên liệu truyền thống tăng cao và người nuôi phải tìm đến những nguồn nguyên liệu rẻ tiền hơn, đó là các phụ phẩm ướt. Hiện nay ở Ontario, Canada đã có 20% heo thịt được nuôi bằng thức ăn dạng lỏng, công nghệ mới này sẽ còn mở rộng hơn nữa ở Canada và Bắc Mỹ trong thời gian tới.


Thức ăn lỏng là thức ăn chứa các nguyên liệu thức ăn khô cùng với nước, tỷ lệ chất khô chiếm khoảng 20-30% khối lượng thức ăn. Thức ăn lỏng được chia thành các loại:

  1. Thức ăn lỏng không lên men (nguyên liệu khô trộn với nước ngay trước khi cho ăn, tỷ lệ thức ăn/nước vào khoảng 1/2 – 1/3).
  2. Thức ăn lỏng lên men (thức ăn ngâm trong nước được lên men tự nhiên hoặc lên men bằng vi khuẩn lactic).
  3. Thức ăn lỏng axit hoá bằng axit lactic (bổ sung 40 – 42g axit lactic/kg chất khô vào hỗn dịch thức ăn để đưa pH về 4,0).
FML – Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thu được sau quá trình sản xuất axid glutamic

Nuôi dưỡng heo bằng thức ăn dạng lỏng so với thức ăn dạng khô (dry feeding) có những ưu điểm sau:

  1. Thức ăn dạng lỏng tận dụng được các  phụ phẩm của ngành công nghệ chế biến thực phẩm như phụ phẩm của ngành sản xuất bột ngọt (ví dụ như sản phẩm FML, Ajitein…), phụ phẩm của ngành sản xuất lysine (như sản phẩm Protam…), làm rượu, làm ethanol, làm bia, làm đậu nành, làm bánh kẹo… Ở đây cái lợi là “hai trong một”: một là tận dụng phụ phẩm, hạ được giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hai là giảm được chi phi phơi sấy các phụ phẩm dạng ướt . Cần chú ý rằng trong kỹ thuật “thức ăn khô” rất khó tận dụng các phụ phẩm dạng ướt, muốn tận dụng chúng thì phải phơi sấy thành dạng khô. Quá trình phơi sấy thành dạng khô tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu và làm tăng giá thành thức ăn chăn nuôi.
  2. Thức ăn dạng lỏng giảm được việc sử dụng kháng sinh và một số hoá dược nhờ bổ sung các chế phẩm lên men sản sinh axit lactic hay bổ sung trực tiếp axit lactic, làm cho pH đường ruột giảm thấp (4,0 – 4,5). Ở môi trường này vi khuẩn bệnh như Coliforms,  E. coli và Samonella bị ức chế và bị loại bỏ, nhờ vậy hạn chế được tiêu chảy và rối loạn tiêu hoá, nhất là ở heo con sau cai sữa. Thức ăn lỏng lên men có pH thấp đã giúp tăng hoạt tính của pepsin ở dạ dày, từ đó nâng cao được tỷ lệ tiêu hoá protein thức ăn. Khi pH đường ruột thấp, vi khuẩn bệnh ở ruột bị loại bỏ, niêm mạc ruột được bảo vê, ruột khoẻ, nhờ vậy khả năng tiêu hoá hấp thu thức ăn được nâng cao và chức năng miễn dịch của ruột cũng được cải thiện (80 – 85% hệ miễn dịch cơ thể nằm ở đường ruột).
  3. Sử dụng thức ăn lỏng dễ cơ giới hoá và tự động hoá việc cho ăn, giảm chi phí lao động, thích hợp với chăn nuôi công nghiệp quy mô vừa và lớn. Hệ thống thiết bị thức ăn lỏng đã được nhiều hãng trên thế giới thiết kế và đưa vào sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những cái lợi nêu trên thì thức ăn lỏng cũng có những hạn chế:

  1. Thông thường thức ăn lỏng có nguyên liệu là phụ phẩm cho nên thành phần dinh dưỡng dễ biến đổi từ mẻ phụ phẩm này đến mẻ phụ phẩm khác. Ngoài ra, nếu sử dụng phụ phẩm của ngành làm bánh hay làm whey lỏng (liquid whey) thì hàm lượng muối ăn trong thức ăn lỏng sẽ cao (muối trong liquid whey cao tới 10% tính theo chất khô).
  2. Phụ phẩm dùng trong thức ăn lỏng thường có tỷ lệ nước cao (70-90%), vì thế nếu nguồn phụ phẩm xa nhà máy thức ăn chăn nuôi thì chi phí vận chuyển sẽ lớn. Heo ăn thức ăn lỏng cũng thải ra lượng phân lớn hơn so với thức ăn khô và dễ làm cho độ ẩm chuồng nuôi tăng lên.
  3. Mất axit amin tổng hợp bổ sung vào thức ăn lỏng. Các nghiên cứu ở Đan Mạch cho biết khoảng 17% lysine công nghiệp bổ sung vào thức ăn lỏng lên men bị mất trong 24 giờ bảo quản. Mất lysine hay các axit amin tự do khác là do vi khuẩn coliform đã sử dụng chúng. Tuy nhiên tổn thất của các axit amin sẽ giảm thấp nhất sau khi quá trình lên men thức ăn lỏng đã ổn định, vi khuẩn lactobacillus đã có mặt đầy đủ và số lượng axit lactic đạt mức >75 mmol  hay pH đạt mức dưới  4,5 (Braun & Lange, 2004).

Các thí nghiệm so sánh giữa “thức ăn lỏng” và “thức ăn khô” trên heo đã cho những kết quả như sau:

  • Nghiên cứu của Nguyễn Nhựt Xuân Dung và ctv. (2005) trên heo thịt từ 25 đến 80 kg đã thấy: Tăng trọng hàng ngày (ADG) và hiệu quả chuyển đổi thức ăn (FCR) của heo cho ăn thức ăn lỏng không lên men và thức ăn khô không khác nhau có ý nghĩa thống kê (ADG: 541g và 552g/ngày, FCR: 3,76 – 3,79 kg TA/kgTT). Tuy nhiên, ADG của heo ăn thức ăn lỏng lên men hay thức ăn lỏng axit hoá bằng axit lactic thì cao hơn ở heo ăn thức ăn khô 8,3 – 8,8 %, hiệu quả chuyển đổi thức ăn (FCR) cũng thấp hơn 11 – 19,5%. Chi phí thức ăn cho 1 kg tăng trọng của heo ăn thức ăn lỏng lên men thấp hơn so với thức ăn khô 18,1%, tuy nhiên chỉ tiêu này ở thức ăn lỏng axit hoá bằng axit lactic thì cao hơn tới 47,4%, vì chi phí cho axit lactic khá cao (giá axit lactic là 40.000đ/kg).
  • Tổng kết từ 10 thí nghiệm cho ăn thức ăn lỏng, Jennsen và Mikkelsen (1998) đã thấy tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) của heo sau cai sữa tăng 12,3 ± 9,4% so với thức ăn khô. Nếu heo ăn thức ăn lỏng lên men thì ADG cao hơn 13,4% so với thức ăn lỏng không lên men. Các tác giả trên cũng cho biết tăng trọng của heo tính theo g/kg thức ăn thì không khác nhau giữa thức ăn lỏng và thức ăn khô.
  • Những nghiên cứu của Lawlor và ctv. (2002) với các khẩu phần thức ăn khô, thức ăn lỏng không lên men (tỷ lệ nước/thức ăn là 2/1), thức ăn lỏng lên men (bằng vi khuẩn Lactococcus lactis chủng cremoris 303, chế phẩm vi khuẩn bổ sung vào hỗn dịch thức ăn theo tỷ lệ 1,3ml/100g, cứ 1ml chế phẩm chứa 109 cfu tế bào vi khuẩn) và thức ăn lỏng axit hoá bằng axit lactic (lượng axit lactic đưa vào đủ để đưa pH hỗn dịch thức ăn xuống tới 4,0)  trên heo từ cai sữa đến xuất chuồng đã thấy: thành tích sản xuất (bao gồm ADG và FCR)  của heo ăn thức ăn khô và thức ăn lỏng các loại không có sai khác rõ rệt. Tuy nhiên với thức ăn lỏng được bổ sung axit lactic thì có lợi cho tăng trưởng của heo giai đoạn từ cai sữa đến ngày thứ 27 sau cai sữa (ADG của heo ăn khẩu phần khô, khẩu phần lỏng bổ sung axit và khẩu phần lỏng lên men lần lượt là 361, 389 và 347g/ngày).
  • Geary và ctv. (dẫn  theo Lawlor và ctv., 2002) báo cáo rằng heo ăn thức ăn lỏng được axit hoá bằng axit lactic có năng suất sản xuất tương đương so với heo ăn thức ăn lỏng lên men. Điều cần lưu ý ở đây là chi phí cho việc bổ sung axit lactic là khá cao.
  • Một nghiên cứu đánh giá số lượng vi khuẩn ở phân và các tham số của sữa đầu heo nái cho ăn thức ăn lỏng và khô của Demekova và ctv. cho biết:: số lượng vi khuẩn lactic ở phân heo con đã tăng cao hơn và vi khuẩn coliform đã giảm nhiều hơn khi heo mẹ ăn thức ăn lỏng lên men so với thức ăn khô (v/k lactic của phân heo con sinh ra từ heo mẹ ăn khẩu phần thức ăn lỏng lên men và khẩu phần thức ăn khô lần lượt là 7,7 và 7,3 log10 cfu/g; v/k coliform lần lượt là 7,5 và 8,1 log10 cfu/g). Tế bào lympho của máu heo con cho ăn sữa đầu của heo mẹ nuôi bằng thức ăn lỏng lên men cũng tăng cao hơn so với mẫu máu của heo con mà mẹ của chúng ăn thức ăn khô (số lượng tế bào lympho ở 2 nhóm heo lần lượt là 1903/1231). Số lượng tế bào lympho máu heo con tăng cao chứng tỏ sữa đầu heo mẹ ăn thức ăn lỏng lên men đã có hoạt tính kích thích sự phân bào (mitogenic activity) cao hơn so với sữa đầu heo mẹ ăn thức ăn khô.

Hệ thống thức ăn lỏng lên men theo quy mô công nghiệp thường được thiết kế theo sơ đồ H.1:

  1. Ở tank lên men thức ăn hạt (tank 1), các loại hạt như ngô hoặc mì, mạch được nghiền nhỏ (có thể dùng loại hạt tươi) rồi trộn với nước theo tỷ lệ 1 hạt/2,5 nước, nước phải sạch và được làm nóng trước ở 25-30oC. Để lên men có thể dùng các chế phẩm vi sinh lên men lactic như nêu ở trên. Quá trình lên men cần thực hiện trước bữa ăn đầu tiên 4-5 ngày.
  2. Chuyển hỗn dịch chứa hạt lên men từ tank 1 vào tank 2, tank này chứa thức ăn tinh như thức ăn động vật, bột củ, axit amin công nghiệp, premix khoáng – vitamin và các phụ gia khác, trộn đều với nước mát, đảm bảo tỷ lệ thức ăn/nước từ 1/2 – 1/3. Trộn hỗn dịch hạt đã lên men với thức ăn khác ngay trước khi cho ăn. Mỗi lần cho ăn chỉ lấy 50% hỗn dịch trong tank 1 đưa vào tank 2, đổ tiếp hạt và nước vào tank 1để bù vào hỗn dịch đã lấy ra.
  3. Chuyển hỗn dịch thức ăn ở tank 2 vào các ống dẫn đi tới máng ăn của chuồng nuôi.

TÀI LIỆU THAMKHẢO1. Braun, K. and K. de Lange, 2004: Liquid swine feed ingredients: Nutritional quality and contaminants. Proc. ANC Eastern Nutrition Conference, May 11-12, 2004, Ottawa, Ontario, Canada. 17 pp.2. Demeckova V.; D. Kelly; P.H. Brook and Cambell: Influence of feeding fermented liquid feed on faecal bacterial flora and selected colostrums parameters of lactating sows (www.bsas.org.uk/downloads/annlproc/…/083.pdf)3. Jensen B.B., and L.L Mikkelsen, 1998: Feeding liquid diets to pigs. In: P.C. Garnworthy and J. Wiseman (ed.) Recent Advances in Animal Nutrition, p. 107, Nottinham Univ. Press, Nottingham, UKError! Filename not specified.4.  Lawlor P.G., P.B. Lynch, G.E. Gardiner, P. J. Caffrey and J.V. O’Dohety, 2002: Effect of liquid feeding weaned pigs on growth performance to harvest – J. Anim. Sci 2002. 80:1725-17355. Nguyên Nhut Xuan Dung, Luu Huu Manh and Brian Ogle, 2005: Effects of fermented liquid feeds on performance, digestibility, nitrogen retention and plasma urea nitrogen (PUN) of growing-finishing pigs. Workshop –seminar, 23-25 May, 2005, MERKARN-CTU                                                           

GS VŨ DUY GIẢNG & KS LÊ QUANG THÀNH

Xem thêm sản phẩm FML – nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dạng lỏng tại đây.

Leave a comment