TTO- Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT báo cáo hơn 70% doanh nghiệp phải đóng cửa, cần sớm tiêm vaccin cho công nhân để duy trì sản xuất và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp còn lại thực hiện “3 tại chỗ” cũng cực kỳ khó khăn trong duy trì sản xuất, chi phí tăng vọt.
Theo VASEP, với 270 doanh nghiệp thành viên, tập trung chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện hơn 1 tuần qua đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Cụ thể, hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”.
Các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, dẫn đến một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách.
Với những nhà máy còn hoạt động, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ đạt 30-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương.
Theo VASEP, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn, và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các doanh nghiệp vừa. Các doanh nghiệp lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần do phải gồng gánh quá nhiều khoản chi phí.
“Tập trung tiêm ngay vắc xin cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông – ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước”, ông Hòe nói.
Theo Tuổi Trẻ Online