Skip to content Skip to footer

Lĩnh vực thức ăn bổ sung – phụ gia tại Việt Nam: Sàng lọc để hiệu quả hơn!

Gần đây, dưới sức ép của việc tiết giảm chi phí, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng sư dụng thức ăn bổ sung – phụ gia (TĂBS-PG) theo hướng chọn lọc, giúp thị trường sàng lọc dần nhưng sản phẩm nào thât sự cần thiết, đào thải sản phẩm không phù hợp, giảm bớt lãng phí tài nguyên chung của xã hội.

TS. Dương Duy Đồng, chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi

Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với TS. Dương Duy Đồng (ảnh), chuyên gia dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi về sự hình thành và phát triển của lĩnh vực thức ăn bổ sung, phụ gia tại Việt Nam.

PV: TS. Dương Duy Đồng có đánh giá như thế nào về sự phát triển của lĩnh vực TĂBS-PG tại Việt Nam thời gian qua?

Nếu lấy mốc phát triển của ngành thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tại Việt Nam từ năm 1993 – năm bắt đầu có một vài công ty nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, thì cho đến nay, lĩnh vực TĂBSPG vẫn đang còn ở trong giai đoạn sơ khai, chưa phát triển rõ nét. 

Trong số các sản phẩm được xếp vào nhóm TĂBS-PG, chỉ có các loại premix khoáng,premix vitamin là đang được sản xuất tại Việt Nam nhiều hơn so với lượng premix nhập nội. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, cốt lõi của các loại premix này là những nguyên liệu khoáng vi lượng, nguyên liệu vitamin hầu hết là nhập ngoại. Phần nội địa hóa của các sản phẩmpremix này chỉ là bao bì cùng với chất mang (carrier, vốn chủ yếu là bột đá vôi và/hoặc bột vỏ trấu nghiền mịn). 

Các loại TĂBS-PG khác được dùng phổ biến trong TĂCN như: các loại enzyme tiêu hóa, chất nhũ hóa, chất chống mốc, chất chống oxy hóa, chất hấp phụ (vô hoạt) độc tố nấm mốc, các sắc tố vàng – sắc tố đỏ, các loại probiotics (lợi khuẩn), chất chiết xuất từ thực vật (phytogenic), các axit hữu cơ (organic acids). Những loại TĂBS-PG thường xuyên sử dụng đều đặn trong TĂCN như: những loại axit amin (hiện có 8 loại axit amin đã được thương mại hóa), cholin, betain… đều được nhập từ nước ngoài. 

Một số công ty có vốn nước ngoài hoặc một vài công ty nội địa có nhà máy ở Việt Nam nếu nói sản xuất TĂBS-PG, thật ra chỉ làm công việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi thêm chất mang pha loãng và đóng gói theo quy cách mà thị trường chăn nuôi ở Việt Nam mong muốn.

Nếu chấp nhận công việc pha trộn tăng khối lượng các nguyên liệu tinh chất trở thành sản phẩm đóng gói với bao bì đẹp mắt cũng là sản xuất thì có thể nói, so với thời điểm trước năm 2000 đến nay các nhà máy “sản xuất” TĂBS-PG ở Việt Nam đã có được đầu tư tốt hơn về nhà xưởng, về các thiết bị cơ khí trong công việc định lượng các thành phần phối chế và trong công việc pha trộn, đóng gói. 

Ở một vài nhà máy thuộc công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể có thêm phòng phân tích với một vài thiết bị phân tích đắt tiền để phân tích hàm lượng hoạt chất với độ chính xác cao, một vài công đoạn sản xuất đã được tự động hóa. Nhiều nhà máy trong lãnh vực sản xuất TĂBS-PG cũng đã đạt một vài chứng nhận quản lý chất lượng thông thường. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phát triển nội tại của lĩnh vực TĂBS-PG tại Việt Nam. 

Những năm qua, ngành sản xuất TĂCN tại Việt Nam đã và đang tăng dần cả về khối lượng và chất lượng sản phẩm, đã có tác động kéo theo sự phát triển tăng dần trong việc sản xuất và thương mại của ngành TĂBS-PG tại Việt Nam. Đồng thời, một số xu thế của xã hội như các quy định về hạn chế hoặc cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của các sản phẩm TĂBS-PG có khả năng tăng cường sức khoẻ đường ruột vật nuôi và/hoặc hỗ trợ tăng năng suất vật nuôi. 

PV: Theo TS. Dương Duy Đồng, lĩnh vực TĂBS-PG tại Việt Nam những năm gần đây có những thuận lợi, khó khăn gì?

Về thuận lợi, nhiều loại TĂBS-PG là những thứ chắc chắn phải sử dụng trong TĂCN để đem lại những lợi ích cụ thể cho sản phẩm đó hoặc cho cơ thể vật nuôi. Do đó, những loại này chắc chắn sẽ có tiềm năng sử dụng lâu dài và thậm chí có thể ước lượng được sản lượng sử dụng cùng với sự phát triển của ngành TĂCN. Những sản phẩm có thể kể đến như: các loại enzyme tiêu hóa, chất chống mốc, chất chống oxy hóa, các loại premix, khoáng vitamin vàcác loại sản phẩm có tác dụng cải thiện sức khỏe đường ruột của vật nuôi nói chung.

Về khó khăn, có thể thấy, phần lớn các loại TĂBS-PG là những sản phẩm đòi hỏi sản xuất và chế biến cao về khoa học kỹ thuật. Ví dụ: các loại enzyme tiêu hóa vốn không chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao ở nhà sản xuất, mà còn đòi hỏi một sự hiểu biết nhất định của người chăn nuôi hay ở nhà máy sản xuất TĂCN, để có thể sử dụng đúng và đủ với liều lượng cần thiết, thì mới có thể phát huy được hiệu quả từ các sản phẩm này đem lại.

Nhiều loại TĂBS-PG được ví như các thực phẩm chức năng, tuy có được khai báo rõ về thành phần hoạt chất bên trong, nhưng lại khó định lượng các thành phần hoạt chất đó đầy đủ và chính xác như trường hợp của các sản phẩm chiết xuất từ thực vật hay còn gọi là các phytogenics, các loại probiotics. Khi sử dụng các sản phẩm này, ngoài khó khăn về xác định hàm lượng hoạt chất của sản phẩm, người sử dụng còn phải có hiểu biết và ước lượng sự tương tác giữa sản phẩm đang nói đến với các loại sản phẩm khác hay các dưỡng chất khác sẽ có trong TĂCN. Chưa kể đến thị hiếu của người sử dụng sản phẩm TĂCN cũng thay đổi, ví dụ như TĂBS-PG có thời điểm sẽ được ưa chuộng hoặc lại bị bỏ qua.

Một khó khăn đối với các doanh nghiệp muốn sản xuất các sản phẩm TĂBS-PG tại Việt Nam đó là, thị trường tiêu thụ nếu chỉ tính riêng ở Việt Nam lại chưa đủ lớn để có thể thiết lập nhà máy, xây dựng hệ thống đầy đủ từ sản xuất đến lưu thông, phân phối. Nếu đơn vị sản xuất độc lập, không có sự liên kết hoặc hỗ trợ với các đơn vị khác liên quan trong cùng một hệ thống, sẽ khó lòng có đủ nguồn lực về tài chính, nhân sự kỹ thuật để gây dựng và phát triển cơ sở sản xuất cho đến khi có thể thu lợi nhuận từ chính hoạt động này.

Khó khăn khác liên quan đến kỹ thuật trong việc thiết lập sản xuất các TĂBS-PG nằm ở các điều kiện ban đầu. Nhóm các TĂBS-PG có thể phân loại như sau: nhóm có nguồn gốc hóa học, được sản xuất từ các nguyên liệu là hoá chất; nhóm liên quan đến công nghệ sinh học, được sản xuất từ việc lên men vi sinh vật hoặc ly trích từ vật thể tự nhiên.

Ở nhóm có nguồn gốc hóa học và được sản xuất bằng công nghệ hóa học, phụ thuộc rất lớn vào các hóa chất cơ bản như NaOH và H2SO4 với khối lượng lớn thường xuyên. Đây là hai hóa chất có tính độc hại cao với sức khoẻ con người và môi trường, các điều kiện để sản xuất đòi hỏi tiêu chuẩn cao, nghiêm ngặt. Hiện tại, Việt Nam chưa có khu công nghiệp hoặc các nhà máy hóa chất cơ bản có quy mô đáp ứng cho các nhu cầu hiện tại hoặc muốn phát triển các ngành sản xuất liên quan đến hoá chất.

Nếu các nguyên liệu cơ bản dùng với khối lượng lớn đều phải nhập khẩu sẽ vừa khó khăn về vận chuyển, kho bãi, vừa có giá thành đầu vào cao trong khi không có các yếu tố ưu đãi bù đắp sẽ khó lòng tạo ra sản phẩm có chất lượng, mà giá thành cạnh tranh với các sản phẩm từ những quốc gia có thế mạnh về công nghiệp hóa chất lâu đời.

Ở nhóm có nguồn gốc công nghệ sinh  học, ngoài các điều kiện cao về trình độ công nghệ sinh học gồm: phòng thí nghiệm đủ sức phân lập, đánh giá, chọn lọc, giữ giống các dòng vi sinh vật chuyên biệt, có điều kiện cao về trang thiết bị (bể lên men); còn có đặc thù riêng đó là, khi đi vào vận hành sản xuất, nhà máy cần được hoạt động liên tục mới có thể đem lại hiệu quả cao nhờ giảm bớt chi phí vận hành so với hoạt động đứt đoạn. Như vậy, phát sinh điểm khó liên quan đến việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm liệu có tương xứng với công suất hoạt động (liên tục) của nhà máy hay không? Chưa kể, trong điều kiện khí hậu của một nước nhiệt đới nóng – ẩm, việc thiết lập các bể lên men có môi trường tiểu khí hậu hoàn toàn tối ưu cho vi sinh vật hoạt động cũng là một thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của nhà máy và chất lượng sản phẩm được tạo ra.

PV: Tiến sĩ có thể chia sẻ một số xu hướng sử dụng TĂBS-PG tại thị trường Việt Nam?

Việc sử dụng các TĂBS-PG ở thị trường Việt Nam đã tăng dần về khối lượng cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi và ngành sản xuất TĂCN. Tuy nhiên, với từng loại sản phẩm mức độ sử dụng có mức tăng không giống nhau.

Một số loại TĂBS-PG tương đối đơn giản về chức năng và liều lượng sử dụng như các sản phẩm chống mốc, chống oxy hóa, các loại premix dễ được chấp nhận từ phía người sử dụng (nhà máy sản xuất TĂCN) hoặc các đơn vị sử dụng dễ nhận thấy nhu cầu cần sử dụng loại TĂBS-PG do đó chiếm một giá trị bằng tiền/kg thức ăn hỗn hợp không cao.

Nhiều loại TĂBS-PG đã và đang được giới thiệu ở thị trường Việt Nam có hàm chứa nội dung mang tính kỹ thuật cao, cần có sự hiểu biết nhất định từ phía người dùng để có thể sử dụng đúng cách, đem lại hiệu quả như mong muốn mà trong một số trường hợp, có thể giúp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành thức ăn hoặc giảm chi phí thức ăn/đơn vị sản phẩm chăn nuôi tạo ra rất đáng kể. Nhóm sản phẩm này có các loại enzyme tiêu hóa (phytase, NSP enzyme, protease enzyme), chất tương tự creatine, các loại axit amin tinh thể (crystallized amino acids),…

Ở những sản phẩm có nội dung kỹ thuật cao như các loại enzyme tiêu hóa, có những đơn vị chỉ sử dụng enzyme phytase mà không dùng cùng với loại enzyme khác vì enzyme phytase có giá rẻ hơn enzyme NSP. Ngược lại, có những đơn vị lại sử dụng thường xuyên enzyme protease vì được giới thiệu là sử dụng protease sẽ giúp vật nuôi tăng cường tiêu hóa protein trong thức ăn, mà không biết rằng các loại enzyme protease trên thị trường chủ yếu có chứa keratinase giúp tiêu hóa keratin là loại protein khó tiêu hóa, có nhiều trong bột lông vũ và bột thịt xương. Khi thức ăn có dùng hai nguồn cung protein động vật này thì việc dùng kèm protease mới mang lại hiệu quả như mong đợi.

Một hiện tượng khác đang trở thành xu thế hiện nay là, nhiều đơn vị sản xuất TĂCN quyết định sử dụng TĂBS-PG chủ yếu dựa vào giới thiệu từ các đơn vị cung cấp loại TĂBS-PG đó, hoặc dựa vào các thông tin lượm lặt từ thị trường là loại TĂBS-PG nào đó có đang được các nhà máy sản xuất TĂCN sản lượng lớn X, Y, Z nào đó sử dụng hay không? Mà không dựa vào căn cứ khoa học để phân tích loại TĂBSPG nào đó chứa những hoạt chất nào, có tính năng gì phù hợp hay thuận lợi cho loài vật nuôi dự định sẽ sử dụng hay không? 

Ngoài ra, một tồn tại ở một số đơn vị sản xuất TĂCN, chính chuyên viên thiết lập công thức thức ăn thường xem các loại TĂBS-PG là một bộ phận độc lập với các nguyên liệu chính trong công thức được thiết lập, mà không thấy rằng ở nhiều loại nguyên liệu thức ăn, ngoài các giá trị dinh dưỡng chính như năng lượng, đạm và axit amin hay chất khoáng (đa lượng) cũng mang phần nào một vài tính chất tương tự như ở vài loại TĂBS-PG nào đó. Nếu khi thiết lập công thức mà kết hợp được tất cả các tính chất này với nhau thì cũng là một cách cải thiện được chất lượng toàn diện của thức ăn hỗn hợp, có thể tiết kiệm được phần nào chi phí từ việc sử dụng TĂBS-PG. 

May mắn là trong thời gian gần đây, sức ép của việc tiết giảm chi phí ở tất cả các công đoạn sản xuất, nhất là chi phí cho TĂCN, nhiều đơn vị chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, có cán bộ kỹ thuật chuyên sâu đã có xu hướng sử dụng các TĂBS-PG theo hướng tích cực hơn. Ở các đơn vị có chuyên viên kỹ thuật thức ăn dinh dưỡng đúng mức đã bắt đầu sử dụng các TĂBS-PG có chọn lọc, có chủ đích đã vô hình trung giúp thị trường sàng lọc dần những sản phẩm nào thật sự cần thiết để tiếp tục lưu hành, đào thải các sản phẩm không phù hợp, giảm bớt lãng phí tài nguyên chung của xã hội.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trò chuyện này!

Hà Ngân

Nguồn: Tạp Chí Chăn Nuôi

Leave a comment