Skip to content Skip to footer

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí P3: Chuồng trại tan hoang ở “thủ phủ” chăn nuôi lợn miền Bắc

Từng là “thủ phủ” chăn nuôi lợn nổi tiếng ở miền Bắc nhưng đến nay hàng loạt chuồng trại chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã bị bỏ hoang, bên trong các trại khóa trái lâu ngày là các ô chuồng đổ nát. Hỏi chuyện chăn nuôi, nông dân ở đây ai cũng lắc đầu, né tránh.

Dịch bệnh, giá đầu vào tăng cao… liên tục hạ gục người nuôi

Dưới thời tiết nắng nóng gay gắt đầu tháng 7, bà Phạm Thị Thơm (hơn 70 tuổi) ở đội 1, xã Ngọc Lũ vẫn mải miết thu hái mướp. Khi được chúng tôi hỏi chuyện chăn nuôi lợn, bà Thơm chỉ thở dài: “Tôi nuôi lợn hàng chục năm nay, giờ cũng phải bỏ nghề. Dịch bệnh nhiều, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao quá, người nuôi không trụ lại được”.

Khoảng năm 2015 – 2016, nghề chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ còn thịnh vượng, lứa nào trong chuồng nhà bà Thơm cũng có đàn nái và thịt lên đến cả trăm con. Có lứa xuất chuồng gia đình bà thu lời cả trăm triệu đồng nhưng đến đầu năm 2017, giá lợn hơi bất ngờ giảm sâu khiến bà Thơm trở tay không kịp.

“Khi đó giá lợn xuống dưới 20.000 đồng, chúng tôi không thể cầm cự được nên phải gọi lái đến bán tháo cả đàn nhưng cũng không có mấy người mua. Đàn lợn hơn 70 con nhưng bán cả tuần cũng không hết”, bà Thơm nhớ lại.

Sau đợt “bão giá”, bà Thơm chỉ giữ lại vài con nái để nuôi cầm chừng, đến khoảng giữa năm 2018 khi giá heo phục hồi, vợ chồng bà lại tăng nái và đàn thịt lên khoảng trên 100 con. Đến cuối năm gia đình bà đã có lợn xuất chuồng trên 60 con lợn thịt (khoảng 1,3 tạ/con) với giá 55.000 đồng/kg, tính ra, trừ chi phí gia đình bà có lãi khoảng 15.000 đồng/kg.

Một trại lợn bỏ hoang bên cánh đồng Màu thuộc xã Ngọc Lũ.

Thu lãi nhiều, vợ chồng bà Thơm được đà đưa hết vốn và vay thêm tiền để nâng cấp chuồng trại, mua thêm nái, giống nâng đàn lên trên 200 con. Nhưng nào ngờ đến giữa năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn thịt, choai, nái của bà chết hàng loạt.

“Thời điểm đó mất nhiều tôi sốc quá, cứ ngất lên ngất xuống phải nằm liệt giường cả tuần mới tỉnh. Hết dịch trại cũng gần hết lợn, vợ chồng tôi nợ nần ngập đầu. Từ đó đến giữa năm nay, gia đình cũng thử nuôi lại vài con nái mong vớt vát lại được ít vốn để trả nợ nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, chúng tôi càng nuôi càng nợ nhiều hơn nên đành phải bỏ nghề, treo chuồng thôi!”, bà Thơm buồn rầu nói.

Cùng trong tình cảnh với gia đình bà Thơm nhưng “chuỗi” thất bại trong chăn nuôi lợn của ông Trần Duy Long gần 60 tuổi ở đội 2, xã Ngọc Lũ có phần thê thảm hơn. Giữa năm 2017 dính “bão giá”, ông Long phải bán chạy trên 400 con loại trên 1 tạ/con với giá 17.000 đồng/kg (trong khi đó, giá thành chăn nuôi thời điểm đó khoảng gần 30.000 đồng/kg) lỗ hàng tỷ đồng.

Từ 60 nái, chủ trại quyết định giảm đàn còn 20 con, đến đầu năm 2018, ông Long phục hồi được đàn lợn thịt khoảng 150 con. Đến tháng 3/2018, trại của gia đình lại dính dịch tai xanh thiệt hại gần hết đàn lợn khoảng vài trăm triệu đồng.

Trang trại từng nuôi hàng nghìn con lợn của ông Phạm Văn Quỳnh ở đồng Màu nay bị bỏ hoang tàn.

Sau thất bại, vợ chồng ông lại vực dậy, tiếp tục kiên trì chăn nuôi lợn, đầu năm 2019, ông Long gây thêm và ra được lứa lợn thịt khoảng 70 lợn thịt thành công với giá 50.000 đồng/kg, thu lời khoảng 1 triệu đồng/con.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, trang trại của ông Long lại “nổ” dịch tả lợn châu Phi, kéo theo đàn lợn hàng trăm con phải tiêu hủy.

“Từ đầu năm 2020 đến tháng 5/2022, chúng tôi vẫn cố cầm cự khoảng 10 con nái nhưng cũng thường xuyên bị dịch, lợn vẫn chết như ngả rạ nên giờ phải bỏ nuôi, thê thảm lắm!”, ông Long ngậm ngùi.

Còn vốn làm hàng xáo, nợ nhiều đi làm thợ xây

Đến các khu đồng Mo, trại Màu, xóm Sốc… từng là nơi nuôi nhiều lợn nhất xã Ngọc Lũ vào thời điểm này hiếm lắm chúng tôi mới nghe được tiếng lợn kêu, đâu đâu cũng chỉ thấy hàng loạt chuồng trại bỏ hoang tàn. Hỏi chuyện một số chủ hàng tạp hóa ở đây lại thấy mọi người mừng ra mặt vì hết lợn, các kênh, rãnh thoát nước cũng được “giải thoát” khỏi ô nhiễm phân, nước thải ngày càng sạch hơn.

Nhiều trại lợn ở khu đồng Mo, trại Mầu, xóm Sốc… bỏ trống, khóa trái cả năm nay.

Từng là chủ một trại nuôi hàng nghìn con lợn nhưng đến nay ông Trần Văn Thủy ở đội 3, xã Ngọc Lũ cũng phải bỏ nghề để đi làm thợ xây ở quanh xã.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Thủy bảo: “Nói đến lợn ai cũng chán nản vì nợ nần nhiều. Giờ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đại lý thức ăn đòi tiền mặt ngay nên dù có ai cho không con giống, bà con cũng không dám chăn nuôi tiếp. Chúng tôi chỉ còn nước đi làm thợ xây ngày kiếm vài trăm nghìn, tích góp dần để trả nợ thôi”.

Ông Thủy cho biết thêm, đến giờ đa phần số hộ bỏ chăn nuôi lợn ở xã đều lâm nợ. Hộ ít nợ đại lý cám vài chục triệu, hộ nợ nhiều, cả vốn vay ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng đến chục tỷ đồng. “Hiện, số hộ còn lợn nái ở xã rất ít. Còn các hộ dày vốn vẫn đầu tư nuôi lợn nhưng theo kiểu lướt sóng, làm hàng xáo (mua lợn tạ từ các trại ở các nơi về nuôi gột nhanh, chờ giá cao bán kiếm lời). Dù có bị dịch, bán chạy vẫn kịp, đỡ thiệt hại hơn nuôi trại dài ngày”, ông Thủy tiết lộ.

Ông Trần Văn Thìn ở xã Ngọc Lũ đau xót bên trại lợn của gia đình bị bỏ trống nhiều tháng nay.

Chiều tối ngày 5/7 tìm đến nhà ông Trần Văn Năm (54 tuổi) ở đội 1 đúng lúc ông đang phun vòi nước máy tắm cho đàn lợn thịt của gia đình. Mấy năm trước, vợ chồng ông Năm còn thuê trại để chăn nuôi lợn nái, giống, thịt nhưng hơn một năm trở lại đây, gia đình rút gọn về chuồng nhà nuôi, làm hàng xáo.

Lứa lợn hiện tại khoảng 200 con của gia đình ông Năm được nhập về từ một trang trại lớn ở tỉnh Đắk Lắk khoảng 1 tháng trước với giá khoảng trên 50.000 đồng/kg, hàng khoảng 100kg/con. Sau khoảng 1 tháng nuôi gột đến giờ đàn lợn đã được trên dưới 1,3 tạ/con, ông Năm đang chờ giá nhích thêm lên sẽ xuất chuồng để thu lãi.

Ông Trần Văn Năm (54 tuổi) tắm cho đàn lợn hàng xáo tại gia đình.

“Giờ dịch bệnh nhiều nên nuôi lợn rất nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải làm liều, tìm cơ hội nuôi “lướt sóng”, lấy công làm lãi thôi”, ông Năm nói và cho biết, để chăn nuôi an toàn, ông phải giao dịch với các “lái ruột” tìm nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Trong quá trình nuôi cũng phải vệ sinh chuồng trại sạch, dùng nguồn nước máy để chăm sóc, tắm cho lợn thường xuyên.

Kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm nhưng ông Năm vẫn phải thừa nhận, trại chăn nuôi của ông cũng có thời điểm dính dịch bị thiệt hại khá nhiều. “Làm hàng xáo mà không may bị dịch còn khoanh ô chuồng, bán chạy kịp các con khỏe cũng đỡ thiệt hại hơn nuôi trại như trước đây”, ông Năm bộc bạch.

Tuy vậy, nhiều người làm hàng xáo như ông Năm ở Ngọc Lũ cũng đang khốn đốn vì giá xăng dầu tăng cao khiến giá cước xe chở hàng lợn từ các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên ra Bắc bị đội lên cao vài triệu đồng/chuyến so với trước.

“Sau khi xuất xong lứa lợn này, có thể chúng tôi phải treo chuồng một thời gian, chờ giá xăng dầu giảm mới làm tiếp”, ông Năm nói.

Nhiều trang trại, trại nuôi lợn tại xã Ngọc Lũ được người dân chuyển sang nuôi vịt, gà…

Tiết lộ thêm với chúng tôi, anh Trần Văn Chung, nhân viên tiếp thị cho một hãng thức ăn chăn nuôi ngoại nhập cho biết, hiện số lượng cám cung cấp vào cho các trang trại ở Ngọc Lũ giảm rất nhiều so với với trước kia.

Số lượng lợn nái tại các hộ dân ở đây giờ chỉ còn khoảng vài chục con, chủ yếu các trại đã chuyển sang thu mua lợn thịt các nơi về nuôi gột bán “lướt sóng” kiếm lãi.

“Sau nhiều đợt dịch không chỉ người nuôi bị thiệt hại nặng, bỏ chuồng kéo theo các đại lý cám bị nợ xấu rất nhiều. Có đại lý bị “bom nợ” tại các trại lên đến trên chục tỷ đồng khó thu hồi, chủ đại lý phải bán nhiều nhà, đất mới thoát phá sản. Đến nay, số đại lý cám ở Ngọc Lũ cũng giảm nhiều, mọi người cũng phải thay đổi cách giao dịch từ bán trả chậm, ôm trại sang bán lấy tiền mặt mặt ngay, trong khi đó, chiết khấu hoa hồng từ các công ty, nhà máy cũng thấp nên các đại lý làm ăn khá khó khăn”, anh Chung chia sẻ.

Leave a comment

viVietnamese